Thị trường bất động sản TP.HCM từng bước phục hồi
Sau một thời gian suy thoái, ngành bất động sản tại TP.HCM đang từng bước phục hồi trở lạị, mặc dù tốc độ tăng trưởng còn chậm.
Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa gửi báo cáo đến Thường trực UBND TP.HCM và Sở Xây dựng TP.HCM về thị trường bất động sản tại Thành phố 11 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, “vùng đáy” của thị trường trong giai đoạn 2020-2024 là vào quý 1/2023 với mức tăng trưởng rất thấp (-16,2%).
Trong 6 tháng đầu năm 2023 thị trường bất động sản vẫn tăng trưởng âm (-11,5%) với xu thế khó khăn giảm dần theo thời gian.
Trong cả năm 2023, thị trường bất động sản đạt -6,38%. Chỉ đến Quý 1/2024, tốc độ tăng trưởng của thị trường bất động sản mới giảm đà tăng trưởng âm khi chỉ còn là (-0,5%).
6 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản tăng trưởng dương trở lại (2,94%). Đến 9 tháng đầu năm 2024 thị trường bất động sản tiếp tục đà tăng trưởng dương (6,7%), thể hiện qua doanh thu kinh doanh bất động sản 9 tháng đầu năm 2024 đạt 199.155 tỷ đồng chiếm 60,3% tổng doanh thu “dịch vụ khác”.
HoREA ước tính, thị trường bất động sản có thể tăng trưởng dương khoảng 9% trong 11 tháng đầu năm 2024.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nguyên nhân khiến thị trường bất động sản đang phục hồi trở lại nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp có thẩm quyền, điển hình là chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Trong đó, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP đã giúp cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ “hạ cánh mềm”, tạo “cơ chế thỏa thuận” và trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đối với nhà đầu tư; hoặc Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ tín dụng hoặc Thông tư 10/2023/TT-NHNN ngừng thực hiện một số quy định của Thông tư số 06/2023/TT-NHNN đã hỗ trợ hiệu quả cho sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Cùng với đó, giai đoạn 2023-2024, Quốc Hội đã thông qua Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật các tổ chức tín dụng, Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn; sửa đổi các Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và các Nghị quyết 171/2024/QH15 “về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất”; Nghị quyết “Cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Đà Nẵng và Khánh Hoà” và Nghị quyết “Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”.
Đồng thời, với việc thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ, các Tổ Công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của một số địa phương, trong đó có Tổ công tác của UBND TP.HCM đã phối hợp, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản, đi đôi với nỗ lực của các doanh nghiệp bất động sản tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm để tồn tại chờ cơ hội phục hồi trở lại.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, Tổ Công tác 1435 của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển đến TP.HCM 64 dự án để được xem xét giải quyết và Tổ Công tác chuyên đề của UBND thành phố đã họp 10 cuộc họp xem xét giải quyết cho 34 dự án, trong đó có 8 dự án đã được giải quyết dứt điểm, còn lại 26 dự án có vướng mắc đang được các Sở, ngành và thành phố Thủ Đức tiếp tục xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, vẫn còn hơn 100 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị “vướng mắc pháp lý” trên địa bàn thành phố chưa được giải quyết.