Bộ TN&MT đưa ra giải pháp nhằm hạn chế trục lợi từ đấu giá đất
Trong khi huyện Thanh Oai dừng cuộc đấu giá 39 thửa đất tại xã Đỗ Động dự kiến tổ chức vào ngày 7/12 và 21/12 tới thì huyện Thạch Thất vừa đấu giá thành công 28 thửa đất với giá trúng cao nhất 185 triệu một m2.
Thanh Oai dừng đấu giá sau phiên “bỏ ngang”
Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc Gia vừa ra thông báo dừng tổ chức hai phiên đấu giá đợt 4 và 6 tại khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai. Thông báo dựa trên công văn yêu cầu dừng tổ chức các cuộc đấu giá với 197 thửa đất tại khu vực nói trên của UBND huyện.
Theo kế hoạch, hai phiên có tổng 39 thửa đất dự kiến lên sàn đấu vào ngày 7 và 21/12 tới. Trong đó, đợt 4 có 19 thửa diện tích 74-92 m2, còn lại 20 thửa đợt 6 có diện tích 96-149 m2 một lô. Các lô này đều có giá khởi điểm 5,3 triệu đồng một m2, tương ứng tiền đặt trước tối thiểu khoảng 78 triệu đồng với lô diện tích nhỏ nhất.
Thông báo nêu hai phiên đấu sẽ được tổ chức sau khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Khách hàng đã mua hồ sơ tham gia và nộp tiền đặt trước cần liên hệ với công ty đấu giá để được hướng dẫn thủ tục nhận lại khoản tiền đã nộp.
Đây không phải lần đầu tiên Thanh Oai tạm dừng tổ chức đấu giá đất. Đầu tháng 9, huyện này hủy hai phiên đấu giá 114 lô đất ở xã Cao Dương để rà soát điều kiện pháp lý. Sang tháng 10, huyện tiếp tục thông báo tạm dừng đấu 197 thửa tại thôn Văn Quán, xã Đỗ Động.
Động thái này diễn ra sau khi phiên đấu giá 68 lô xã Thanh Cao gây xôn xao dư luận với trên 4.000 hồ sơ tham gia, giá trúng đẩy lên 100 triệu đồng mỗi m2, gấp 5-6 lần giá khởi điểm. Tuy nhiên, khoảng 80% người trúng đấu giá tại đây đã bỏ cọc. Trong đó, toàn bộ các lô đất có giá trúng từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng một m2 không nộp tiền.
Ngày 30/11, cùng khu Man Cá, Man Cổng, Mạ Man Trong, thôn Văn Quán, xã Đỗ Động, 22 thửa đất (ký hiệu 118 đến 139) đã được tổ chức đấu giá nhưng đều không tìm được người trúng. Lý do đến vòng thứ 9, khách hàng đồng loạt không trả giá tiếp dẫn đến phiên đấu không thành công. Trong khi mức trả cao nhất đến vòng thứ 8 đạt hơn 70 triệu đồng một m2, gấp 13 lần khởi điểm.
Theo đại diện công ty hợp danh đấu giá Việt Nam, đây là phiên đầu tiên do đơn vị này tổ chức không có thửa nào trúng. Việc đấu giá thất bại ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách của địa phương. Hiện huyện chưa có kế hoạch đấu giá lại 22 lô đất trên.
Thạch Thất trúng đấu giá đất cao nhất 185 triệu đồng/m2
Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Thạch Thất cùng Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia vừa tổ chức phiên đấu giá 28 thửa đất tại thôn Bình Xá, xã Bình Phú. Tổng diện tích 28 lô đất vào khoảng 2.300 m2, tương đương bình quân hơn 80 m2 một lô.
Trong đó, 5 thửa đất ký hiệu A-01 đến A-05 có giá khởi điểm 5,8 triệu đồng một m2, còn lại khởi điểm 3,8 triệu đồng một m2. Phiên đấu giá tổ chức nhiều vòng trả giá với bước giá mỗi vòng là 5 triệu đồng một m2.
Buổi đấu giá đã thu hút gần 320 khách hàng với gần 1.370 hồ sơ tham gia. Tỷ lệ này tương đương một lô có gần 49 hồ sơ quan tâm, cao hơn gần 30% so với phiên đấu 34 thửa đất ở xã Hương Ngải, cùng huyện Thạch Thất diễn ra hôm 24/11.
Sau 21 vòng đấu, 28 thửa xã Bình Phú đều diễn ra thành công. Trong đó 5 thửa A-01 đến A-05 có giá trúng từ 160 đến 185 triệu đồng một m2, gấp 28-32 lần khởi điểm. 23 lô còn lại ghi nhận giá trúng cao nhất đến 128 triệu đồng mỗi m2. Thửa thấp nhất trúng 63,7 triệu đồng một m2, cũng gấp 16,7 lần khởi điểm.
Mức trúng của phiên này cao gấp nhiều lần so với phiên 24/11 trước đó ở xã Hương Ngải, dao động 38-59 triệu đồng một m2. Nếu người mua nộp đủ số tiền trúng đấu giá, huyện Thạch Thất sẽ thu về hơn 262 tỷ đồng.
Gần hai tuần qua, liên tiếp các phiên đấu giá huyện ven tiếp tục gây xôn xao thị trường bởi nhiều khách trả giá cao bất thường rồi bỏ ngang. Mới đây, 5 người đã bị tạm giữ vì có sai phạm liên quan việc trả giá đến 30 tỷ đồng một m2 ở huyện Sóc Sơn để "không cho lô đất được trúng đấu giá thành công".
Từ đầu năm đến hết tháng 9, các quận, huyện tại Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, thành phố chỉ thu được khoảng 9.200 tỷ đồng.
Ngăn chặn trục lợi đấu giá đất
Thời gian qua, các phiên đấu giá đất được liên tục tổ chức với những mức giá trúng cao “bất thường” khiến thị trường này nóng lên từng ngày, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo và yêu cầu có biện pháp chấn chỉnh.
Mới đây, tại Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, nhằm khắc phục bất cập, vướng mắc, trong đó có các trường hợp trục lợi từ đấu giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp khả thi, hiệu quả, cứng rắn và đồng bộ.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy giải đáp thắc mắc của người dân.
Thứ nhất, yêu cầu các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định của Luật Đấu giá tài sản, Luật Giá, Luật Đất đai 2024.
Thứ hai, phải công khai minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại các khu vực đấu giá đất.
Thứ ba, điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất làm cơ sở để tính giá khởi điểm khi thực hiện đấu giá đất. Theo ông Duy, đất đấu giá được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, kỹ thuật thì cơ quan có thẩm quyền phải xác định lại giá đất khởi điểm cho phù hợp. Tuy nhiên có những địa phương đầu tư đồng bộ về mặt hạ tầng kỹ thuật nhưng lấy giá đất khởi điểm theo phương án khi chưa đầu tư hạ tầng, dẫn đến giá khởi điểm và giá trúng giá có sự chênh lệch rất lớn, xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng hoạt động đấu giá để mua bán kiếm lời.
Thứ tư, các địa phương cần tăng cường giải pháp đảm bảo nguồn cung về đất ở phù hợp với khả năng chi trả và tiếp cận của đa số người có nhu cầu, để khắc phục tình trạng thiếu cung cầu trên thị trường bất động sản. Khi cung cầu không gặp nhau thì giá bất động sản sẽ bị cao.
Thứ 5, có thể quy định rút ngắn thời gian nộp tiền trúng đấu giá trong quy chế đấu giá, đồng thời bổ sung quy định công khai các trường hợp bỏ cọc trúng giá đất để chuộc lợi.
Thứ sáu, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân có vi phạm pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất.
Theo ông Duy, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp như trên sẽ khắc phục được bất cập trong hoạt động đấu giá đất thời thời gian qua, nhất là các huyện vùng ven Hà Nội.